Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vì vậy, nhiều “ông lớn” hàng đầu thế giới trong ngành thương mại điện tử đã sớm có mặt tại Việt Nam.
Hiện nay, lĩnh vực này chiếm 0,5% trong tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 4 thành phố lớn của Việt Nam. Tỷ lệ người mua sắm thông qua thương mại điện tử đã tăng từ 5,4% lên 8,8% tổng dân số thành thị tại bốn thành phố chính chỉ trong vòng một năm qua, và giá trị của giỏ hàng mua sắm trực tuyến đã gấp ba lần giá trị của một giỏ hàng truyền thống.
Sân chơi của nhà đầu tư Trung Quốc
Báo cáo gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tăng 69% trong năm 2017.
Ngoài ra, Hãng nghiên cứu và tư vấn Frost and Sullivan cũng từng dự báo quy mô thị trường Việt Nam sẽ tăng từ 1,7 tỷ USD năm 2016 lên 3,7 tỷ USD vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng 45%/năm.
(Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nguồn: enternew.vn)
Hồi đầu năm, Tập đoàn thương mại điện tử JD của Trung Quốc đã thông báo sẽ đầu tư một khoản tiền vào trang thương mại điện tử Tiki của Việt Nam.
Theo đó, JD đã ký thỏa thuận đồng ý cùng với các nhà đầu tư khác rót tiền vào Tiki và trở thành một trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Tiki. Mặc dù JD không tiết lộ khoản tiền đầu tư vào Tiki, nhưng trước đó Tiki đã cho biết huy động được hơn 50 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trước đó, Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới của tỷ phú Jack Ma, đã hiện diện trên thị trường Việt Nam từ tháng 4/2016, thông qua thương vụ thâu tóm toàn bộ Lazada trên thị trường Đông Nam Á.
Ngoài ra, một công ty thương mại điện tử nữa mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam nhưng cũng đang dần thiết lập được chỗ đứng khá vững chắc là Shopee. Dù là công ty có trụ sở chính tại Singapore, nhưng cũng giống như Lazada, Shopee có một cổ đông lớn nhất đang nắm xấp xỉ 40% cổ phần là Tencent, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc có giá trị vốn hóa trên thị trường hơn 500 tỷ USD.
Như vậy, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của cả ba tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc. Cả ba công ty này đều tiến vào thị trường Việt Nam thông qua con đường mua bán và sáp nhập, cách nhanh nhất để có thể thiết lập chỗ đứng trên thị trường mà không bị chậm chân so với các đối thủ đã có mặt trước.
Khi ấy, thống kê của Google đã chỉ ra, Lazada, Shopee và Tiki là ba trong bốn trang thương mại điện tử được tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian qua tại Việt Nam. Vì vậy, nhiều lo ngại đã cho rằng, rất có thể thời gian tới, cuộc đua thứ hạng trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp Trung Quốc.
Vẽ lại thị phần
Tuy nhiên, với sự thâm nhập của các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ và Nhật Bản, những nghi ngại về việc nhà đầu tư Trung Quốc đang “bao sân” thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được xoá bỏ.
Cụ thể, mới đây nhất, Tập đoàn Scroll đến từ Nhật Bản đã đầu tư mua lại 26,9% cổ phần của Công ty Cát Đông – Công ty sở hữu website Cungmua.com, Nhommua.com, Shipto.vn. Đây là lần thứ 2 Cát Đông chuyển nhượng vốn sau 8 năm thành lập.
Trước đó, vào năm 2015, Cát Đông từng nhận được đầu tư từ ACA Investment, đây là quỹ đầu tư Nhật, trực thuộc Tập đoàn Sumitomo, từng đầu tư vào Bibomart, SonKim Land…. Qua đó, ACA nắm 37% vốn tại Cát Đông.
Được biết, song song với giao dịch chuyển nhượng là cái bắt tay hợp tác trong kinh doanh giữa đôi bên. Theo đó, Cát Đông và Scroll sẽ cùng phát huy tối đa nguồn lực quản lý, thế mạnh của cả hai để cùng đẩy mạnh hoạt động ở thị trường Việt Nam. Cụ thể, Scroll sẽ giúp Cát Đông phân phối tour du lịch, hàng hóa xuất xứ từ Nhật và các sản phẩm mang thương riêng của Scroll. Ngoài ra, Scroll sẽ cung cấp các giải pháp trong kinh doanh, hỗ trợ hậu cần, kho bãi, mở rộng kênh bán hàng… để Cát Đông đẩy mạnh chiến lược.
Trước đó hổi tháng 3, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của “người khổng lồ” Amazon. Mặc dù lựa chọn chiến lược khác với các nhà đầu tư nêu trên, thay vì thực hiện các thương vụ đầu tư, M&A thì Amazon chọn cách “bắt tay” hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam. Theo đó, Amazon mong muốn tìm kiếm các nhà sản xuất, doanh nghiệp và triển khai các hoạt động liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trên nền tảng của Amazon.
(Vào Việt Nam, Amazon muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trên nền tảng của Amazon. Nguồn: internet)
Việc Amazon gia nhập thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ đưa hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như người nước ngoài có thể mua hàng của Việt Nam.
Lựa chọn cái bắt tay của Amazon được cho là “khôn ngoan” khi một trong những điểm yếu một thời của thương mại điện tử đó là tầm mức hoạt động chỉ giới hạn trong một quy mô nhỏ vì không có nguồn sản phẩm ổn định cũng như thiếu hai yếu tố căn bản của thương mại điện tử là hệ thống giao hàng và thanh toán.
Cũng giống như chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, với những nhà đầu tư, đối tác sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là điều kiện để doanh nghiệp nội tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như “sức bật” tốt n từ kinh nghiệm hợp tác và kỹ thuật sản xuất với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được kỳ vọng sẽ là những lợi thế giúp các nhà đầu tư nước ngoài khác ngoài nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nhanh chóng tìm và giữ được thị phần của mình, để miếng bánh thị trường thương mại điện tử Việt Nam không chỉ là “sân chơi” của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Công ty TNHH Megaon
Megaon – Cùng Nhau Phát Triển Bền Vững
Phone: (028) 66784897 – 0949.880.224
Mail: info@megaon.vn
Website: www.megaon.vn
Văn phòng: Tầng 8, Tòa nhà BCONS TOWER, 4A/167A Đường D1, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh