Việt Nam là đất nước “bùng nổ công nghệ”. Trong vòng một thập kỷ, từ một quốc gia gắn liền với điện thoại bàn, trở thành “quả bom tiêu dùng”, nơi miếng bánh smartphone bỗng trở nên béo bở. Người dân ngày càng gắn chặt với điện thoại thông minh.
Năm 2016, Warc – công ty nghiên cứu hiệu quả quảng cáo và truyền thông trụ sở tại Anh tiết lộ những con số kinh ngạc. Theo đó, Việt Nam đang có thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. 93% người Việt đã sở hữu thiết bị di động, 44% trong số đó là smartphone. Con số này tăng mạnh lên 55%, theo báo cáo gần đây nhất của Jay Hartwell, giảng viên, chuyên viên tư vấn truyền thông của ĐH Hawaii và Tạp chí văn học Hawaii Review.
Trong khuôn khổ bài viết nàysẽ khắc họa cụ thể một người dùng smartphone Việt Nam điển hình, với những chỉ số tổng hợp cũng như thiết bị mà họ ước mơ sở hữu. Chân dung đó được khắc họa trên cơ sở tập hợp, phân tích từ các dữ liệu thống kê gần nhất thuộc các nguồn độc lập như Appota, Dream Incubator Inc., IDC, DI Marketing và các nguồn độc lập khác.
Chàng nhân viên văn phòng trẻ tại TP.HCM
Số liệu từ Appota, 56% người dùng smartphone tiêu biểu tại Việt Nam là nam, dù tỷ lệ đó đang trên đà giảm theo hướng cân bằng. Thực tế, các số liệu mới nhất từ Appota cho thấy nữ giới đang ngày càng sở hữu nhiều smartphone hơn.
Độ tuổi sở hữu smartphone trung bình ngày càng giảm, nhưng tỷ lệ “vàng” của người dùng smartphone vẫn ở mức khoảng 24 tuổi. Ở độ tuổi này, khoảng 63% người Việt Nam sử dụng smartphone.
Địa bàn phân bố của người dùng smartphone trải rộng nhưng tập trung nhiều tại các thành phố lớn. Kết hợp bản đồ phân bố dân số cùng tỷ lệ phổ cập smartphone, anh ta sẽ sống thành phố lớn, cụ thể là TP.HCM. Nghiên cứu sâu hơn nhóm đối tượng này, DI Marketing trích lục các nghề nghiệp tiêu biểu của người dùng smartphone Việt, trong đó nhân viên văn phòng (Office Worker) là phổ biến nhất.
Từ những con số trên, chúng ta có cái nhìn đầu tiên về chân dung một người dùng smartphone Việt Nam: chàng nhân viên văn phòng trẻ tại TP.HCM.
Chiếc smartphone tầm trung trên tay
Số liệu từ GfK cho thấy 90% thiết bị bán ở đầu năm 2017 chạy nền tảng Android, trong đó, Samsung chiếm hơn 47%. Điều này không khó hiểu vì 68% người dùng Việt Nam đang sử dụng Android.
GfK ghi chú trong báo cáo 2017: “Người Việt Nam vẫn ưa chuộng các thiết bị từ 88-130 USD (khoảng 2-3 triệu đồng)”.
Không có một thiết bị cụ thể được gọi tên, nhưng các thống kê cho thấy khả năng cao (48%) “anh chàng” đang cầm trên tay một thiết bị Samsung.
Đây không phải thiết bị cao cấp, nếu nhìn từ thống kê chất lượng màn hình anh ta đang dùng. Trích xuất con số thống kê về chất lượng màn hình Android được sử dụng tại Việt Nam, hơn 80% thiết bị đang có độ phân giải từ HD trở xuống, thông số của các smartphone tầm trung.
Tuy vậy, tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone Full HD trở lên đang tăng khá nhanh.
Một dữ kiện nữa củng cố cho giả thiết đến từ thống kê hệ điều hành Android đang sử dụng. Tỷ lệ người dùng nâng cấp lên các bản Android đời mới khá thấp, khi 54,8% thiết bị vẫn đang chạy các phiên bản Android 4.x (mà bản mới nhất là Android 4.4 Kit Kat cũng đã 3 năm tuổi đời), hiện tại, Android 4.x hầu như không được cài trên các smartphone đời mới.
Tuy vậy, anh ta không vì thế mà cảm thấy thất vọng. 86% người dùng được khảo sát cho biết họ hài lòng với thiết bị mình đang có, dù 44% phàn nàn về thời lượng pin.
Đây là điều mà các chuỗi bán lẻ hầu như không thể giúp, dù đây là địa chỉ mà 74% người dùng chọn để mua điện thoại.
Chiếc smartphone cao cấp mơ ước
Dù nhân vật được nhắc đến thuộc về 45% người dùng chỉ sở hữu 1 smartphone, 41% người dùng Việt đang sở hữu cùng lúc hai di động.
Gần như chắc chắn, anh ta đang dành dụm để mua tiếp một chiếc smartphone tốt hơn trong năm sau.
Lựa chọn smartphone mới có vẻ không phải quyết định quá khó khăn. Người dùng Việt Nam có lòng trung thành khá cao với thương hiệu. Dù ít có ý định chỉ dùng thương hiệu hiện tại, anh ta vẫn có kế hoạch ưu tiên nhãn hàng quen thuộc (37%) hoặc sẽ vẫn tiếp tục dùng nhãn hàng đó, song song với thiết bị từ hãng khác (37%)
Anh ta mơ ước một chiếc smartphone cùng thương hiệu, cụ thể là thiết bị Android đầu bảng hiện tại (45%). Tuy vậy, một phần không nhỏ (27%) mơ đến thế hệ iPhone mới nhất.
Nhưng dường như ước mơ chỉ là mơ ước. GfK thống kê rằng anh ta chỉ sẵn sàng (và có khả năng) chi khoảng 368 USD (khoảng 8,3 triệu đồng) để mua thiết bị mới, trong khi giá các smartphone đầu bảng tại Việt Nam hiện dao động trong mức 20 triệu đồng nếu mua ở các cửa hàng chính hãng.
‘Cú đêm’ thích chơi game, ưa tin nhắn
Người dùng Việt Nam khá nghiện điện thoại, 1/5 người dùng smartphone có mức sử dụng khoảng 4 tiếng 36 phút mỗi ngày. Họ cầm điện thoại liên tục, và đến 28% chỉ ngưng khi buông smartphone xuống và ngủ. “Thời gian vàng” của họ vào khoảng 19-21h mỗi ngày.
Anh ta không làm nhiều hoạt động phức tạp trên smartphone. Mạng xã hội vẫn là ứng dụng được phổ cập nhiều nhất, với 91% người dùng cài trên smartphone. Trong 1 năm gần đây, Zalo đang dần trở thành ứng dụng nhắn tin chính người Việt (80%), song song với Messenger của Facebook (73%). Tuy vậy, phần lớn thời gian, người dùng lướt trên Facebook (51%) và xem video trên YouTube (51%).
Anh chàng trẻ tuổi yêu thích những trải nghiệm mới, và tương đối bắt kịp xu hướng công nghệ. Mỗi tháng, trung bình anh cài 5 ứng dụng mới, chủ yếu là game (40%), hoặc những ứng dụng công nghệ, máy tính mới đang trở thành xu hướng (35%).
Từ những dữ liệu trên, có thể phác họa chân dung một người dùng smartphone tiêu biểu tại Việt Nam: Nam, 24 tuổi, sống ở TP.HCM, dùng điện thoại Android tầm trung và mơ về chiếc smartphone đầu bảng (dù không hẳn sẵn sàng mua chúng trong năm sau). Anh ta ưa nhắn tin, xem mạng xã hội và chơi game về đêm, và sẵn sàng thử nghiệm những công nghệ mới.
Công ty TNHH Megaon
Megaon – Cùng Nhau Phát Triển Bền Vững
Phone: (028) 66784897 – 0949.880.224
Mail: info@megaon.vn
Website: www.megaon.vn
Văn phòng: Tầng 8, Tòa nhà BCONS TOWER, 4A/167A Đường D1, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh